Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị
Với người nghe là đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành; đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao ban hiệp hội và doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên – “Kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Phương hướng và giải pháp trong thời gian tới”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, nếu như trước đây, chúng ta nói rất nhiều đến các DNNVV thì bây giờ thế giới và Việt Nam bắt đầu nói đến các DN siêu nhỏ bởi đây là những chủ thể của sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Doanh nghiệp phải tự “nâng tầm”
Theo ông Lộc, cho dù quy mô nhỏ hay siêu nhỏ nhưng trong thời buổi hội nhập này, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ có thể tồn tại được khi gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, chỉ có cách doanh nghiệp tự nâng mình lên ngang bằng với chuẩn mực của thế giới.
“Nhỏ và siêu nhỏ cũng phải minh bạch, nhỏ và siêu nhỏ cũng phải hướng đến sự chuyên nghiệp, nếu không chúng ta sẽ nằm ngoài cuộc chơi” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Gợi ý cho vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp nên thực hiện một cách quyết liệt chương trình hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh.
“Tất nhiên, các hộ kinh doanh có quyền lựa chọn mô hình kinh doanh của mình như chuyển lên thành doanh nghiệp hay giữ mô hình hộ kinh doanh cá thể nhưng tôi tin rằng chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp để thực hiện sự minh bạch sẽ là một yêu cầu rất cấp thiết đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để hoà mình vào quá trình hội nhập” – ông nói.
“Chúng ta sẽ làm được”
Ông Lộc cũng dành thời gian khái quát lại Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Nhấn mạnh rằng Nghị quyết 35 là nghị quyết đầu tiên của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020; doanh nhân doanh nghiệp là chủ thể, là động lực phát triển kinh tế; chính quyền từ quản lý sang phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng để làm được điều này thì cần phải hoàn thành 3 mục tiêu: Thứ nhất phải xây dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ doanh nghiệp; Thứ hai, bên cạnh một môi trường thuận lợi thì môi trường đó phải an toàn cho doanh nghiệp phát triển. Thứ 3 chi phí phải thấp – an toàn, thuận lợi.
Chủ tịch VCCI cũng gợi ý rằng, để hoàn thành các mục tiêu nói trên Nhà nước phải đặt niềm tin vào doanh nghiệp bằng cách phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bỏ giấy phép, bỏ cơ chế xin cho. “Nhà nước phải tin vào doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sau. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là một cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính ở nước ta” – TS Vũ Tiến Lộc nói.
Thứ đến, là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ doanh nghiệp
Kể câu chuyện một doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục để thuê đất cho dự án của mình, doanh nghiệp phải tiếp nhận 74 công văn qua lại, trên dưới đùn đẩy nhau và cuối cùng doanh nghiệp buộc phải dừng dự án của mình, ông Lộc nhấn mạnh nhà nước cần quy định các đầu mối giải quyết các hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp chỉ thống nhất lại một chỗ, và chỉ một người chịu trách nhiệm bởi hiện nay đang có tình trạng các cơ quan nhà nước “đá bóng” hồ sơ của doanh nghiệp và cuối cùng doanh nghiệp chẳng biết ai chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ của mình, đánh mất cơ hội kinh doanh. “Chính việc không có người chịu trách nhiệm, không có cơ quan chịu trách nhiệm đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh đứng giữa trời đất, đi không được mà ở lại cũng không xong. Trách nhiệm thuộc về ai, và doanh nghiệp phải gặp ai để giải quyết thủ tục cho mình?”, Ông Lộc đặt câu hỏi.
Chủ tịch VCCI cho rằng việc cải cách thể chế hiện nay giống như là Chính phủ đang phát động một cuộc đua đường lên đỉnh Olympia. Cụ thể, năm 2016, chúng ta khởi động chương trình này thì năm 2017 chúng ta sẽ điều chỉnh, kiện toàn công cuộc cải cách; năm 2018 và năm 2019 là năm mà chúng ta sẽ tăng tốc để đến năm 2020 là năm mà chúng ta có thể lên đến đỉnh vinh quang và đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả. “Điều này nói thì đơn giản nhưng để đạt được không phải là dễ bởi 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả có nghĩa là chúng ta phải tăng gần gấp đôi số doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Đó là một nỗ lực vượt bậc. 30 năm đổi mới chúng ta phát triển 650 nghìn doanh nghiệp trong khi trong vòng 5 năm của nhiệm kỳ này chúng ta phát triển thêm 350 nghìn doanh nghiệp nữa. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng tôi tin là chúng ta có thể làm được”, ông Lộc nói.
Để đạt nhiệm vụ trên, với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông Lộc yêu cầu doanh nghiệp phải có những ý kiến rất thẳng thắn khi góp ý về việc thực hiện Nghị quyết 35. “Thủ tướng có yêu cầu VCCI phải báo cáo với Thủ tướng tình hình thực hiện Nghị quyết 35 từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, từ sự cảm nhận, thừa nhận của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần phải có những ý kiến rất thẳng thắng để báo cáo với với Đảng, Nhà nước, với Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của bộ máy chính quyền, về thực trạng của công cuộc cải cách để phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân như thế nào. Điều này là thực sự cần thiết”, ông nói.
Nguyễn Phước
Nguồn enternews.vn