Cơ hội lớn
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội đưa hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, ngành dệt may tiếp tục khẳng định lợi thế xuất khẩu.
“Chúng tôi đang khởi động cùng với các đối tác, hãng thời trang, nhà bán lẻ hàng đầu tại Nhật để ký hợp đồng gia công hàng may mặc xuất khẩu cho Uniqlo, Aeon… và xa hơn là các kế hoạch làm ăn dài hạn với các đối tác mới”, ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 chia sẻ.
Việc xoay chuyển sang làm nhiều nhãn hàng mới cho đối tác Nhật là chủ trương của May 10 trong năm 2017 và những năm tới. Ông Việt cho hay, May 10 và Uniqlo đang khởi động những bước đầu tiên, mục tiêu hướng đến là có thể cung cấp hàng cho thương hiệu này để xuất khẩu vào Nhật Bản. Nếu mọi việc tiến triển tốt, cơ hội cho doanh nghiệp làm hàng cho một hãng lớn như Uniqlo là vô cùng lớn.
Uniqlo được biết đến là công ty thiết kế, may mặc và bán lẻ trang phục thường ngày của Nhật Bản, có tên trong nhóm hạng nhất của Sàn Chứng khoán Tokyo.
Hãng hiện có 836 cửa hàng tại Nhật, 416 cửa hàng tại Trung Quốc, 39 cửa hàng tại Mỹ và 27 cửa hàng tại châu Âu. Cứ mỗi tuần trôi qua lại có thêm một cửa hàng mới của Uniqlo được khai trương ở nơi nào đó trên thế giới.
Đây là thương hiệu nổi tiếng với phong cách thời trang đơn giản, dễ ứng dụng. Nhiều sản phẩm của Uniqlo được xách tay và bán rộng rãi tại Việt Nam.
Ngoài Uniqlo, Hãng bán lẻ Aeon cũng là mục tiêu của May 10. Bà Hoàng Hương Giang, Trưởng phòng Thị trường 2, May 10 xác nhận, doanh nghiệp vừa có một buổi gặp gỡ các đội mua hàng của Aeon tại Nhật Bản để đưa hàng vào Nhật qua Aeon.
“Lợi thế của May 10 là đã từng làm hàng cho Aeon rồi, nên việc tiến thêm các bước dài sẽ hiện thực hơn. Có thể chúng tôi sẽ làm hàng may mặc với nhãn hàng riêng cho Aeon để bán trong hệ thống. Aeon đang sở hữu khoảng 300 siêu thị, chỉ cần mỗi siêu thị cung cấp được 50 sản phẩm đã là ổn”, bà Giang cho hay.
Dệt may Việt đứng đầu sự lựa chọn của Nhật
Trong 5 tháng đầu năm 2017, dệt may là nhóm hàng có kim ngach xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,13 tỷ USD, chiếm 17,4% tổng trị giá xuất khẩu, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với thâm niên nhiều năm xuất khẩu hàng vào Nhật Bản cho rằng, năm qua, các quốc gia nhập khẩu dệt may chính, trong đó có Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng dệt may rất thấp, hoặc suy giảm. Đơn cử, nhập khẩu dệt may từ tất cả các nước vào thị trường Hoa Kỳ năm 2016 đã giảm 4,84%, ước đạt 113,8 tỷ USD; nhập khẩu dệt may vào Nhật Bản ước đạt 34,7 tỷ USD, giảm 1,7%; nhập khẩu dệt may vào Hàn Quốc ước đạt 13,3 tỷ USD, giảm 4,03%... Nhưng đánh giá trong dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng đầu trong sự lựa chọn của Nhật, do ngành dệt may Việt đã phát triển ở quy mô lớn, chi phí sản xuất ở mức hợp lý hơn một số quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ…
Điều này cũng được ông Việt thừa nhận, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật hiện chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty, sản lượng thì chiếm khoảng 15-20%, chắc chắn triển vọng tăng xuất khẩu trong những năm tới là có, vấn đề là doanh nghiệp đáp ứng được ở mức nào so với yêu cầu của đối tác.
Trước đó, tại một sự kiện kết nối đưa hàng Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức, ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam khẳng định, nhiều doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu sản phẩm qua kênh siêu thị Aeon, như cá tra, trái cây, hàng may mặc, thực phẩm, gia dụng... Năm 2016, hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt, trong đó chủ yếu là sản phẩm may mặc, thực phẩm. Dự kiến, lượng hàng hóa mà Aeon nhập khẩu từ Việt Nam còn gia tăng trong những năm tiếp theo.